Mục Lục Bài Viết :
Lý Thuyết Dow Là Gì ?
Lý thuyết Dow là một lý thuyết cơ bản, tuy thế nó không đơn giản để một nhà đầu tư mới có thể hiểu hết được, những lý thuyết khác sau này cũng dựa trên nền tảng của lý thuyết này mà phát triển.
Lý thuyết Dow không có sách hay tài liệu thống nhất mà đó là quan điểm của Ông Dow (nhân vật nổi tiếng của chứng khoán Mỹ) được các nhà phân tích và bình luận tổng hợp lại từ các bài viết hay phát biểu.
Những Luận Điểm Cơ Bản Của Lý Thuyết Dow
Không Ai Có Thể Thao Túng Xu Hướng Chính Của Thị Trường
Một khi xu hướng chính của thị trường đã được thiết lập thì không một ai có thể thay đổi được cho đến khi thị trường tự thay đổi xu hướng chính của nó theo hướng ngược lại.
Việc một ai đó cố gắng thay đổi xu hướng chính của thị trường là vô cùng khó khăn, họ sẽ phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Nhưng họ vẫn có thể thao túng thị trường trong một thời gian ngắn để đạt được một mục đích nào đó rồi tự thị trường sẽ quay lại đúng xu hướng chính của nó.
Mọi Thứ Đều Phản Ánh Vào Giá Cả
Giá cả phản ánh sự kỳ vọng, nổi sợ hãi, sự mong chờ của những đối tượng tham gia vào thị trường. Tất cả mọi thứ đều phản ánh lên giá cả : tăng giảm lãi suất, bầu cử tổng thống, thiên tai, biểu tình, tăng giảm doanh thu lợi nhuận, … tất cả điều này có thể ảnh hưởng lên giá cả nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Xu hướng chính của thị trường vẫn không bị ảnh hưởng.
Ví dụ : xu hướng chính của đồng USD là đang tăng rất tốt, nhưng do bầu cử tổng thống xảy ra tại thời điểm này. Điều này ảnh hưởng đến thị trường, do nhà đầu tư không đảm bảo giá sẽ tăng tiếp trong giai đoạn bầu cử này, để bảo toàn vốn họ thoát khỏi thị trường khiến cho thị trường giảm trong 1 thời gian. Nhưng sau đó xu hướng chính của thị trường quay lại bản chất của nó và tăng tiếp tục.
Ví dụ khác : Cổ phiếu PVC sau khi có tin xấu Biển đông 2014, sau đó tiếp tục tăng. (Xem hình)
Thị Trường Có 2 Loại Xu Hướng
Dow cho rằng thị trường có 2 loại xu hướng : xu hướng chính và xu hướng thứ cấp.
Xu hướng chính là những xu hướng lớn (có thể tăng hoặc giảm) của thị trường và có thể tồn tại qua nhiều tháng hoặc nhiều năm. Theo lý thuyết Dow giao dịch theo xu hướng chính sẽ kiếm được lợi nhuận tốt nhất. Một xu hướng một khi được thiết lập nó sẽ kéo dài cho đến khi xu hướng ngược lại được xác lập.
Xu hướng thứ cấp là xu hướng có khoảng thời gian ngắn hơn và ngược hướng với xu hướng chính. Đây là xu hướng điều chỉnh nằm trong lòng của xu hướng chính, giúp khẳng định sức mạnh của xu hướng chính.
Cách Xác Định Xu Hướng Chính
Xu hướng mạnh mẽ hơn sẽ là xu hướng chính của thị trường. Bạn cần hiểu rõ các mức kháng cự và hỗ trợ của thị trường :
- Mức kháng cự là vùng giá được tạo bởi đỉnh giá trước đó.
- Mức hỗ trợ là vùng giá được tạo bởi đáy giá trước đó.
Nếu giá phá vỡ vùng kháng cự và vượt lên trên tiếp tục tăng thì đây là xu hướng tăng chính. Còn nếu giá phá vỡ vùng hỗ trợ và vượt xuống tiếp tục giảm thì đây là xu hướng giảm chính.
Xu Hướng Chính Gồm 3 Giai Đoạn (3 Pha)
Xu hướng tăng chính gồm : giai đoạn tích lũy, giai đoạn tăng mạnh, giai đoạn tăng quá độ.
Giai đoạn tích lũy (giai đoạn 1) : là giai đoạn ban đầu của xu hướng tăng chính, nó rất khó nhận ra vì giai đoạn này vẫn còn đang nằm trong phạm vi của xu hướng giảm chính trước đó. Tâm lý nhà đầu tư trong giai đoạn vẫn tiêu cực và bi quan, vì vậy khối lượng giao dịch thường ít ỏi. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn giá của nó đang là thấp nhất, nhiều người vẫn có thể chấp nhận mua vào để đầu tư dài hạn.
Giai đoạn tăng mạnh (giai đoạn 2) : là giai đoạn thường giá tăng dài nhất và nhiều nhất. Giai đoạn này dễ kiếm tiền và những người kinh doanh theo xu hướng cũng gia nhập thị trường.
Giai đoạn tăng quá độ (giai đoạn 3) : đây là giai đoạn giá cả đã tăng quá mức và niềm tin vào thị trường nhiều đến mức kinh ngạc. Khi này cả cộng đồng tham gia vào thị trường, ngay cả bà nội trợ cô bán cá anh công nhân cũng bàn tán về thị trường đầy lợi nhuận. Chính lúc này thị trường sẽ tạo đỉnh giá cao nhất và bước sang thời kỳ suy thoái thị trường.
Xu hướng giảm chính gồm : giai đoạn phân phối, giai đoạn giảm mạnh, giai đoạn giảm tuyệt vọng.
Giai đoạn phân phối (giai đoạn 1) : giống giai đoạn tích lũy nhưng ngược lại, giai đoạn phân phối đánh dấu cho bắt đầu xu hướng chính giảm. Lúc này, các nhà đầu tư kinh nghiệm nhận ra thị trường bất ổn và bắt đầu bán dần dần các khoản đầu tư của mình để thoát khỏi thị trường. TIn tức vẫn đang rất tốt tràn ngập thị trường tại thời điểm này, khiến cho cộng đồng những người tham gia thiếu kinh nghiệm vẫn hồ hỡi mua vào. Tuy nhiên, giá cổ phiếu bắt đầu giảm một tí và sự giảm giá bắt đầu chính thức diễn ra.
Giai đoạn giảm mạnh (giai đoạn 2) : giai đoạn này cả thị trường sẽ giảm giá mạnh, tình trạng cắt lỗ bắt đầu xảy ra. Cộng đồng người tham gia bắt đầu chạy tán loạn, dẫm đạp lên nhau, tìm cách bán tháo thoát khỏi thị trường.
Giai đoạn giảm tuyệt vọng (giai đoạn 3) : Tất cả mọi hy vọng đã tiêu tan và giá đã giảm rất nhiều. Giá trị bây giờ rất thấp, nhưng mọi người vẫn tìm đường để bán ra và thoát khỏi thị trường cho bằng được. Tin tức thì luôn luôn xấu, thị trường ảm đạm và chẳng tìm ra người mua. Thị trường vẫn tiếp tục giảm cho đến khi kết thúc và chuẩn bị chờ đón xu hướng tăng chính mới.
Các Chỉ Số Thị Trường Phải Đồng Điệu
Các chỉ số phải đồng điệu nhau thì xu hướng mới được xác nhận. Dow sử dụng chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số ngành vận tải (Transportation Averages) để đo lường tình trạng sức khoẻ của nền kinh tế. Chỉ khi cả 2 chỉ số cùng tăng, thì xu hướng của thị trường mới có thực.
Ví dụ như VNIndex xác nhận xu hướng chính chuyển từ giảm sang tăng. Nhưng xu hướng chính HNXIndex vẫn chưa chuyển từ giảm sang tăng thì xem như xu hướng chính của VNIndex vẫn là giảm. Dựa vào sự đồng điệu, chúng ta biết được đâu là xu hướng chính đã được đổi hay vẫn còn ở xu hướng cũ.
Volume – Khối Lượng Giao Dịch
Khối lượng có thể giúp ta một phần xác định được xu hướng thị trường.
Trong xu hướng chính tăng, volume thị trường sẽ tăng khi giá tăng (đi đúng xu hướng) và sẽ bị giảm lại trong giai đoạn điều chỉnh. Volume giảm chứng tỏ xu hướng tăng đang có dấu hiệu suy yếu.
Trong xu hướng chính giảm, volume sẽ giảm khi thị trường hồi lại. Khi thị trường lại tiếp tục giảm thì khối lượng tăng trở lại.
Đường Phạm Vi Mua Bán
Những đường ngang được vẽ bằng cách nối các đỉnh hay các đáy lại với nhau và hình thành nên phạm vi mua bán. Trong phạm vi mua bán đường giá đi ngang trong khoảng thời gian nhất định. Chỉ khi giá phá vỡ vượt ra khỏi phạm vi mua bán thì ta mới xác định được đây là giai đoạn tích lũy hay giai đoạn phân phối :
- Khi giá vượt lên trên thì đây là giai đoạn tích tũy.
- Khi giá vượt xuống dưới thì đây là giai đoạn phân phối.
Hạn Chế Của Lý Thuyết Dow
Lý thuyết Dow đưa ra những nguyên lí và bản chất của thị trường và giúp bạn loại bỏ được những tâm lí cá nhân khi tham gia thị trường để có những nhận định đúng về thị trường. Cũng là dựa trên lý thuyết Dow nhưng những phân tích của những người khác nhau lại có thể khác nhau.
Lý thuyết Dow chỉ giúp cho bạn có một cái nhìn ở xu hướng chính. Ở những xu hướng thứ cấp và ngắn hạn lý thuyết Dow không thể áp dụng. Nhưng chỉ cần xác định được xu hướng chính bạn sẽ kiếm được lợi nhuận tốt hơn.
Lý thuyết Dow quá trễ, phải mất một khoảng thời gian và hành trình giá đã đi khá xa rồi ta mới xác định được xu hướng chính của thị trường. Đôi khi khiến ta mất đi cơ hội giao dịch.
Mình là Admin của #Kgold. Chia sẽ về thị trường và góc nhìn của mình với cộng đồng. Mình thích phân tích dữ liệu và những tín hiệu thị trường liên quan, có kỹ năng về lập trình nên phát triển các công cụ chỉ báo để sử dụng trong quá trình giao dịch và đầu tư mang lại hiệu quả hơn.